Từ bỏ nói dối
Nói dối rất đa dạng, chẳng hạn như nói dối theo kiểu phản xạ, nói dối đôi chút, nói dối không hại ai… Chúng có tác dụng rất khác nhau lên người tiếp nhận. Với người nói dối, hậu quả thấp nhất mà họ chắc chắn phải chịu chính là sự day dứt trong tâm hồn.
Dưới đây, chúng ta đề cập đến nói dối vô hại hàng ngày chứ không xét nói dối như là một bệnh lý.
Tại sao chúng ta lại nói dối hoặc nói tránh sự thật, trong khi có nhiều cách giao tiếp khéo léo rất chân thật và đúng mực?
Đây là một số lý do: nói dối để tránh mâu thuẫn, tránh làm người khác nổi giận hay tránh tổn thương cảm xúc người khác hoặc khiến họ cảm thấy bị hạ thấp hay buồn phiền, để được kính trọng và nể phục, để có quyền lực, để tránh phiền toái, tránh nhận lỗi, tránh va chạm, để mọi việc được suôn sẻ...
Điều thú vị là những lí do để nói dối thường có mục đích tốt, trừ một số trường hợp xuất phát từ cái tôi cá nhân hay bản tính tự kiêu. Mặc dù vậy, cách mà những mục đích này được thực hiện thật khó mà chấp nhận được thậm chí nó còn làm cho các mối quan hệ trở nên miễn cưỡng cũng như gây ra sự không thanh thản trong tâm hồn.
Chúng ta có thể nói thật một cách khéo léo trong những tình huống nêu trên hay không? Thông thường, câu trả lời là có. Tuy nhiên, nó đòi hỏi phải thực tập thường xuyên và có suy xét.
Sau đây là một số lời khuyên giúp chúng ta bỏ được thói quen lảng tránh sự thật để có thể giao tiếp một cách chân thành và đúng mực.
THAY ĐỔI SUY NGHĨ
Chúng ta nói dối vì muốn kiểm soát được tình huống. Tuy nhiên đó lại là một lựa chọn thiếu khôn ngoan vì nói thật mới làm cho các khả năng cũng như kết quả của vấn đề được gợi mở và giải quyết.
Với những người đã quen nói dối, đầu tiên phải thay đổi suy nghĩ. Nói dối thường được hình thành trong thời thơ ấu hay thời gian trước đây nên cần có sự quan tâm, khéo léo và kiên trì để từ bỏ nó và thay bằng một thói quen mới, tốt hơn.
HIỂU ĐƯỢC KHI NÀO VÀ TẠI SAO CHÚNG TA NÓI DỐI
Động lực nào khiến ta cho rằng nói dối là giải pháp tốt nhất? Nỗi sợ hãi nào đang ẩn sau quyết định đó? Chẳng hạn như, sợ phạm sai lầm, sợ bị cho là không tốt hay thô lỗ nếu nói thật, sợ không đủ khéo léo để nói thật mà không làm tổn thương hay phiền lòng người khác...
Thử đặt câu hỏi, trong những tình huống như vậy, tại sao chúng ta lại tin là nói dối sẽ làm vấn đề tốt hơn, và tốt hơn cho ai? Hãy vận dụng hiểu biết của mình để gạt bỏ những quyết định không đúng cũng như xem xét và đưa ra câu trả lời đầy đủ cho những câu hỏi nêu trên. Một khi động cơ để nói dối của chúng ta không thỏa đáng, tốt hơn nên kìm lại và tìm cách giải quyết khác.
XEM XÉT MỌI KHẢ NĂNG TRƯỚC KHI HÀNH ĐỘNG
Nói dối có thể chỉ là một quyết định nhất thời, thiếu suy xét cẩn thận. Vì vậy, trước khi định nói dối hãy chờ đợi giây lát. Nói với người đối diện rằng chúng ta cần xem lại vấn đề hay nghĩ ngợi đôi chút. Khi đó, hãy xét kĩ vấn đề cũng như động cơ và giải pháp của bản thân.
Giữ tập trung bằng cách nhớ lại những hành động hay một ai đó khiến chúng ta thấy tin cậy và yên tâm. Việc ghi nhớ này rất có ích thậm chí chúng ta cũng có thể học theo những cử chỉ đó để giao tiếp hiệu quả hơn.
Thành thật tự hỏi "điều tệ nhất có thể xảy ra nếu nói ra sự thật là gì". Những kĩ thuật cơ bản này cho phép ta ứng xử khôn ngoan và tự tin hơn.
GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ
Một trong những lợi thế vô giá của việc làm chủ tư duy và giao tiếp một cách khôn ngoan là đã có những chuẩn mực nhất định mà ta có thể sử dụng đa dạng để cải thiện khả năng. Vận dụng những cách xử sự khéo léo này để tránh nói dối vì những lí do đã nêu trên.
Cứ cho rằng chúng ta có thể là người đã gây nên sự việc hay nhận thức thực tế chưa chính xác. Việc đổ lỗi cho ai đó chỉ làm ta thanh thản trong nhất thời chứ không phải trong lâu dài. Đôi khi cảm tính hoặc chưa thật sự lắng nghe hoặc chủ quan tin vào kinh nghiệm…làm sai lệch trực giác cũng như khả năng thấu hiểu của chúng ta về các tình huống. Nếu cảm thấy thảo luận sẽ làm sáng tỏ vấn đề, hãy trình bày với những gợi ý sau:
- Có lẽ ban đầu tôi không đúng, xin hãy thứ lỗi cho tôi…
- Theo tôi vấn đề là... bạn có nghĩ như vậy không?
- Thứ lỗi cho tôi khi nói ra điều này…
Hãy tỏ ra thông hiểu cảm xúc người đối diện "tôi biết ông rất giận về…". Sau đó, trình bày quan điểm bản thân và nói rõ điều gì dẫn đến quyết định đó. Đề nghị giải pháp có thể áp dụng được.
Hãy thừa nhận những cảm xúc cá nhân và biểu hiện nó một cách lễ độ "tôi rất thất vọng khi được biết X không thể hoàn thành đúng thời hạn. Hẳn ông có thể thấy là tôi thất vọng như thế nào". Sau đó nêu lên dự định, mong muốn của bản thân và giải pháp "tất cả những gì chúng ta nên làm là một bản kế hoạch kinh doanh để đảm bảo".
Phác họa lại sự việc một cách rõ ràng và xác định nguồn gốc để có được kết luận đúng đắn. Nếu không, chúng ta sẽ dễ phạm sai lầm khi đưa ra những nhận xét như là "có lẽ…", "tôi đoán là…" dễ dàng dẫn đến sai lệch sự thật và hiểu lầm.
LỜI KHUYÊN ĐỂ CỦNG CỐ SUY NGHĨ
Từ bỏ thói quen nói dối cần thời gian tập luyện. Hãy đặt ra những nguyên tắc cho bản thân và cương quyết thực hiện chúng, từ đó hình thành nên những thói quen tốt. Ghi nhớ những nguyên tắc này và hành động để duy trì bí quyết giao tiếp tốt đẹp, chân thành và chuẩn mực.
Hãy nuôi dưỡng sự bình tĩnh - ghi nhớ những cách ứng xử khéo léo để tự khắc phục điểm yếu và nói sự thật một cách hiệu qủa, nhẹ nhàng hơn. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta bình tĩnh và tập trung, ngược lại nếu chúng ta căng thẳng, giận dữ hay nóng vội. Hãy học hỏi sự bình tĩnh từ những bậc thầy, nhà thông thái hay nhà lãnh đạo tài tình kết hợp với sự khéo léo của bản thân để làm chủ khi giao tiếp.
Nhận thức được vai trò của người đối diện – những phản ứng của họ là sự phản chiếu cách chúng ta nói ra sự thật. Họ có thể thất vọng, đau khổ hay giận dữ, và chúng ta cũng phải học cách để cùng giải quyết sự không hài lòng đó. Hãy rút kinh nghiệm từ những sai lầm của bản thân cũng như của người khác để tự hoàn thiện khả năng ứng xử khéo léo. Đặt mình vào hoàn cảnh người khác là bước quan trọng giúp chúng ta khéo léo hơn vì khi đó ta có thể hiểu được những gì người khác cảm nhận mà ứng xử cho phù hợp.
Lập kế hoạch - quản lí thời gian là nhân tố quyết định để giữ bình tĩnh. Nên biết rõ chúng ta mong đợi gì và khi nào cũng như lập kế hoạch và vạch ra các yêu cầu cần thiết. Hãy xem xét vấn đề một cách tổng quát, không ngần ngại hỏi để hiểu rõ, hơn là hiểu nhầm và sau đó là nói dối.
Hãy thoải mái nhận lỗi - đã bao nhiêu lần chúng ta nói dối chỉ đơn giản để tránh thừa nhận "tôi đã sai", "tôi hiểu nhầm" hay "xin lỗi, tôi đã làm hỏng nó". Khi phạm lỗi, hãy hít thở thật sâu và chấp nhận nó, nói "xin lỗi" cho những hành vi không đúng. Chúng ta không chỉ cảm thấy nhẹ nhõm hơn mà còn có cơ hội để sữa chữa sai lầm. Đồng thời, biết nhận và xin lỗi làm chúng ta mạnh mẽ và chân thật hơn, giúp ích cho cuộc sống của chúng ta trong tương lai.
Hãy thu thập những nguồn động viên khích lệ - những trích dẫn lịch sử hay dẫn chứng về con người và sử dụng chúng như những kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày để có thêm sức mạnh cho tâm hồn và rèn luyện thói quen nói thật.
Tập trung vào những điều là quan trọng nhất đối với chúng ta - hãy sống có lí tưởng. Nó sẽ dẫn dắt chúng ta đến những việc làm và hành động đúng, thúc đẩy chúng ta giữ vững ý chí để đạt được lí tưởng đó.
(Sưu tầm)
Trung tâm gia sư Vũng Tàu
Di Động : 0908 340 535
http://trungtamgiasuvungtau.edu.vn/ Email: [email protected]
- Đối mặt với những lời chê (19/03/2016)
- 26 điều sai lầm trong giao tiếp (19/03/2016)